Văn hóa - xã hội Bến Gỗ

Trong dòng chảy của lịch sử, những làng cổ đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đất Đồng Nai.

Cùng với người Việt bản địa, nhóm người Hoa đầu tiên định cư ở Đồng Nai đã sớm lập nên thương cảng Cù lao Phố, chợ Bến Cá, chợ Bến Gỗ và chợ Dinh (nay là chợ Biên Hòa). Những chợ ra đời rất sớm này đã mở ra thị trường giao lưu hàng hóa giữa cư dân tại chỗ, trong vùng và cả với thương nhân nước ngoài. Nhờ đó đã hình thành nên những làng nghề như: làng đá Bửu Long, xóm thiếc An Hòa... Rồi lò gạch, lò lu Tân Vạn, sở cải cây Chàm...

Làng Bến Gỗ được những lớp cư dân Việt, Hoa đến khai phá, xây dựng thành những vùng trù phú mà những dấu tích của một thời vẫn còn bảo lưu cho đến tận hôm nay.

Trong lòng đất Bến Gỗ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật của lớp cư dân cổ từng sinh sống. Mảnh đất này được các tộc người của nhiều nền văn minh đến định cư, lập nghiệp xuyên suốt cả một thời kỳ lịch sử từ thời đại đồng thau cách nay hàng nghìn năm.

Họ đạo Bến Gỗ là một trong những họ đạo ra đời sớm trên đất Biên Hòa - Đồng Nai, vào năm 1882.

Nhà thờ Bến Gỗ xây dựng vào năm 1932, là nhà thờ Công giáo được xây dựng sớm nhất ở TP. Biên Hòa, nay nhà thờ nằm tại khu vực phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa).

Làng Bến Gỗ hiện tại có nhiều đình, chùa, miếu, thánh thất và mỗi di tích thường gắn liền với những câu chuyện kể dân gian đầy màu sắc huyền bí.

Người dân Bến Gỗ mang đậm chất đặc trưng của người nông dân Nam Bộ.